Những năm gần đây, khi mà điều kiện kinh tế dần được nâng cao, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên nhiều gia đình đầu tư cho con cái học rất nhiều.
Đặc biệt, khi mà các cháu chuẩn bị bước vào lớp 1 thì tâm lí các bậc làm cha, làm mẹ thường muốn cho con học trước để con mình không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không biết rằng, nếu việc học trước kiến thức nhưng không nắm kỹ các kỹ năng, phương pháp thì sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt về sau với con mình.
Từ lâu, Bộ GD&ĐT lên tiếng "cấm" cho học sinh học chữ sớm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận.
Minh chứng, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) từng nói rằng:
“Cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 giống như bắt chín ép, rất phản khoa học. Khi giáo viên dạy không chu đáo, trẻ có thể ngồi sai tư thế, viết sai, sau này sửa khó.
Việc này cũng khiến trẻ dễ gặp phải những khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Khi vào lớp 1 trẻ sẽ không còn sự háo hức, chủ quan khi thấy kiến thức cũ và càng về sau càng đuối”
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều phụ huynh luôn muốn con mình phải bằng hoặc hơn bạn bè nên thúc ép con đi học trước từ rất sớm.
Đặc biệt, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì họ không chỉ cho con học trước mà còn thuê gia sư về nhà dạy kèm.
Nhưng tiếc thay, không phải phụ huynh nào cũng tìm được gia sư biết đúng quy cách tập viết của các cháu bởi đa số gia sư là sinh viên nên không nắm được những quy cách cần thiết ban đầu.
Hơn nữa, việc học chữ sớm đã khiến nhiều học sinh khi vào lớp 1 vì phải học lại kiến thức nên các em chủ quan, chán học.
Để dạy các cháu ngồi đúng tư thế và cách cầm bút viết thì các giáo viên mầm non, mẫu giáo và các bậc phụ huynh cần chú ý tạo cho các cháu những thói quen ban đầu. Đó là:
Đối với tư thế ngồi:
- Phải tạo cho các cháu ngồi viết đúng tư thế, thoải mái, không gò bó; -
- Khoảng cách từ mắt đến quyển tập từ 25-30 cm;
- Hai chân thoải mái không được chân co, chân duỗi;
- Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi;
- Tay trái xuôi theo chiều ngồi và giữ vở cho không bị lệch;
- Ánh sáng phải chiếu từ bên trái sang.
Đối với cách cầm viết:
- Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa);
- Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết.
- Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay;
- Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út;
- Cầm bút xuôi theo chiều ngồi.
- Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ, không cầm bút dựng đứng 90 độ;
- Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.
Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm vì nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá lớn, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.
Tạo cho các cháu một thói quen, khoa học để sau này không để lại hệ quả xấu là điều cần thiết của các bậc phụ huynh ngay từ khi các cháu chập chững cầm viết.
Khi các cháu còn quá non nớt, tay còn yếu thì chúng ta không nên quá nặng dạy con em mình tập viết sớm sớm, bắt các em phải "chín ép" và hậu quả sẽ khôn lường.
Bởi những tháng đầu tiên của lớp 1, các cháu sẽ được dạy các kĩ năng cơ bản về việc cầm bút và tô những nét cơ bản. Lúc đó, chỉ cần phụ huynh kèm cặp con em mình thêm ở nhà thì chắc chắn sẽ tạo cho các em một tư thế ngồi đúng, nét chữ cứng cáp mà kĩ năng viết và cầm bút cũng đúng khoa học.